*Bài viết có spoil nội dung phim, bạn hãy cân nhắc trước khi đọc.
Lâu lắm tôi mới ra rạp để xem một bộ phim Việt về đề tài gia đình. Và thật ấn tượng, Bố Già khiến tôi quên mất cảm giác mình đang ngồi trong rạp có máy lạnh chạy phà phà; mà giống như đang chắp tay sau lưng tản bộ vào một con hẻm bất kì trong thành phố.
Nhìn ra xung quanh, tôi chợt nhận thấy mình đang đứng trong xóm của ông Sang, nghe tiếng ổng mắng thằng Quắn xa xả ở trong nhà, bên kia đường ông Phú kéo cái ghế nhựa mời khách vô uống cafe, bà Giàu (chị cả ông Sang) đang tám với người đến mua gạo chuyện thằng con bả kiếm hơn trăm triệu/tháng... Những thanh âm xộn xạo đó ở xóm nào mà chả có, ở con hẻm nào mà chẳng nghe. Bởi vậy nên phim nó đời, người sống trong nó không còn là diễn viên mà chính chúng ta.
Người xem chẳng cần có kiến thức điện ảnh thâm sâu hay khả năng cảm thụ nghệ thuật cao cấp để chạm được đến tầng ý nghĩa cao nhất của Bố Già. Thậm chí, thông điệp của bộ phim sờ sờ ra đấy và có thể chúng ta đã biết cả rồi, nhưng điều quan trọng thì vẫn cần được nhắc lại, để nhớ và để thấm. Bố Già nhắc chúng ta điều gì?
Cái xóm nhỏ lộn xộn nhưng là gia đình, là tổ ấm, là dòng họ, là nơi gắn kết mỗi con người lại với nhau trong những yêu thương bình dị
1. Họ hàng là mối quan hệ khó chịu nhưng khó bỏ
Họ hàng là gì? Vì sao tôi cần có họ hàng?
Chắc trong đời bạn ít nhất 1 lần cũng đã tự ngửa cổ lên hỏi ông trời câu này. Bởi vì, những trải nghiệm với họ hàng thường vui thì ít mà tức ngực thì nhiều.
Và một lần nữa, chúng ta lại vấp phải nỗi ám ảnh mang tên họ hàng trong Bố Già. Cơn thịnh nộ của thằng Quắn đổ xuống người thân của ông Sang và họ hàng của chính nó chính là cục u cục bướu đã âm ỉ hình thành từ lâu, đến thời điểm hết chịu nổi, nó mới xì ra bằng những câu nói độc địa hỗn hào đến chấn động thần kinh.
Và cũng như Quắn, hầu hết chúng ta không hiểu tại sao bố mẹ mình cứ phải chịu đựng thiệt thòi trong dòng họ. Đám tiệc thì rõ vui, nhưng cứ đợi họ hàng về là đấm ngực thùm thụp vì tức câu nói hành động vô lý của ông anh cả/ bà chị hai trong nhà. Bị đối xử tệ đến mấy cũng không dám kể cho ai nghe vì sĩ diện họ tộc. Đôi lúc, phận làm con thấy tức thay cha mẹ vì sao họ thật yếu đuối và nhu nhược. Nhưng cái lý của cha mẹ thì lại là: Tao nhu nhược, chịu thiệt với người nhà tao thì có gì sai?
Nghe xong list những điều xấu xí cộp mác họ hàng do chính miệng thằng Quắn phun ra, ai cũng rùng mình: Gì xấu tính dữ trời, tuyệt giao là đúng rồi.
BST họ hàng của ông Sang trong phim khiến chúng ta nhớ tới họ hàng của mình: Sao mà giống dữ trời!
Nhưng đó rõ là suy nghĩ của những "tấm chiếu chưa trải sự đời", gặp biến cố đi rồi mới biết: "Họ hàng là mối quan hệ dẫu khó chịu nhưng khó bỏ".
Bố Già đã khắc sâu lại thông điệp này thêm một lần nữa. Mối quan hệ dòng họ dù toxic đến đâu vẫn phải tồn tại vì có những chuyện chỉ người cùng một dòng máu mới có thể chìa tay ra giúp nhau.
Ví như khi thằng Quắn buộc phải TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ từ họ hàng khi muốn thay thận cho ba. Bà cả Giàu vẫn TẬN NGHĨA nhận thờ phụng thằng em "bán trời mời thiên lôi" khi nó qua đời, dù lúc sống hai chị em không thèm nhìn mặt. Thằng em dở người tưởng như vô dụng lại có ích không tưởng khi quyết định HIẾN THẬN cho anh trai. Người ngoài dẫu tốt đến mấy, cũng khó lòng có thể giúp bạn những việc ấy.
2. Khi có gia đình, ai cũng có ích kỷ của riêng mình
Nhắc tới chuyện thay thận cho ông Sang, Bố Già lại muốn người xem học thêm một bài học nữa. Đó là về trách nhiệm của mỗi người khi có gia đình và quyền-sống-ích-kỷ.
Ông Sang ích kỷ khi cứ giành giật yêu thương với đứa con nhưng ai có gia đình mà chẳng như thế
Khi có gia đình, đồng nghĩa với việc bạn không còn sống một mình, mọi toan tính và quyết định trong cuộc sống không còn hướng về mỗi phía bản thân mình mà còn cho cả bạn đời. Em kề ông Sang là Phú muốn hiến thận cho anh trai nhưng vợ Phú gào lên khóc lóc không cho. Bà vợ cũng hỗn láo thật như bả cũng có cái lý của mình - nhất là khi đã chịu đủ những thiệt thòi vì cưới ông Phú nay lại phải chấp nhận chuyện chồng sống dặt dẹo với 1 quả thận? Vô lý quá!
Trái thận là của ông Phú nhưng quyền được sống ích kỷ là của bà vợ. Vợ không cho chồng hiến thận cho anh trai, về lý chẳng có gì sai.
Đến lượt bà cả Giàu, bà không đồng ý cho con trai mình tặng thận cho cậu nó. Vậy bà có ích kỷ không? Có, nhưng về lý cũng chẳng có gì sai cả. Giữa thằng em trai và đứa con mang nặng đẻ đau nuôi lớn, bạn sẽ nghiêng về phía ai hơn? Chắc chắn không ai muốn con mình thiệt thòi rồi.
Còn Quý - đứa em út "bán trời mời thiên lôi" tệ nạn gì cũng có mặt, đang sống độc thân, nên có vẻ không bị ràng buộc bởi bất cứ nghĩa tình nào khác. Trái thận là của Quý, Quý muốn cho ai thì cho.
Bởi vậy mới thấy, độc thân chính là lúc bạn muốn quyết định gì cũng được, muốn sống thế nào cũng xong chứ khi đã có gia đình rồi, bạn đâu chỉ sống cho mỗi mình - phải sống cho những người trong gia đình riêng của bạn nữa. Dễ hiểu khi lúc có gia đình, ai cũng có ích kỷ của riêng mình... đừng trách họ!
3. Giữa cha mẹ và con cái, không tồn tại thứ gọi là "sướng nhờ, khổ chịu"
"Ừ mày không nghe lời tao đi ha, sau này sướng mày nhờ - khổ thì tự chịu".
Bố mẹ nào cũng đe con cái như thế. Nhưng câu đấy thực tế dịch ra như này: Mày không nghe lời tao, mày sướng tao cũng không dám nhờ - nhưng mày khổ thôi cứ để tao chịu thay mày.
Nghe có thương không? Ông Sang là như vậy! Con làm ra tiền muốn ba sung sướng ông không dám sướng nhưng lại âm thầm nuôi con thay cho con trai vì sợ nó mang điều tiếng, cản trở tương lai nó.
Khoảng cách thế hệ là điều dễ nhận thấy giữa ông Sang và thằng Quắn, từ vấn đề nghề nghiệp, tư duy xài tiền, cách chọn ở nhà mặt đất hay chung cư, khám sức khoẻ định kì... Nhưng dù có cách biệt đến mấy, bố mẹ và con cái vẫn gắn chặt cuộc đời mình với nhau theo 1 cách nào đó.
Đã có duyên là người thân một nhà thì không bao giờ có chuyện "cuộc đời ai người ấy sống"
Vậy cho nên bạn đừng bao giờ vì một câu nói lẫy lúc nóng giận của ba mẹ mà nghĩ rằng "Cuộc đời ai người ấy sống" như thằng Quắn. Đã có duyên là người thân một nhà thì không bao giờ có chuyện tách bạch rạch ròi như thế.
Mọi sự sắp đặt đều có lý do và ý nghĩa của nó. Trừ những người kém may mắn chỉ còn lại 1 mình trên đời, đa số chúng ta - những người đang còn gia đình, đều phải biết nhận thức và trân trọng 2 từ: nương tựa!
4. Sẽ luôn có 1 người dưng hiểu ta hơn cả ruột thịt
Ông Sang và bà hàng xóm Lê Giang có cùng 1 gu thẩm mỹ, chia sẻ bí mật, có thể cảm nhận được cả những điều người kia không nói thành lời. Đó là sự cảm thông tự nhiên giữa những người sống cùng thế hệ. Hơn nữa, con cái khi lớn lên đều có khuynh hướng bước ra khỏi tổ ấm để định nghĩa giá trị bản thân, lúc này hàng xóm mới lại chính là người xích gần lại với các ông bố/bà mẹ ở nhà, có câu "bà con xa không bằng xóm giềng gần" là như vậy.
Đôi khi chúng ta hay bị lung lay bởi câu hỏi: "Ở vậy, không kết hôn nữa có được không?". Được, nhưng buồn lắm, vì đâu đó, sẽ luôn có 1 người dưng hiểu ta hơn ruột thịt. Kết hôn là sự gắn kết giữa 2 người không cùng huyết thống nhưng cho mình những giá trị mà người thân không thể mang lại.
Hình ảnh bà hàng xóm Lê Giang khiến người xem cảm thấy ấm lòng
5. Cứ không phải muốn hy sinh là sẽ được... hy sinh
Thằng Quắn ghét cay ghét đắng cái kiểu hy sinh vô lý cho mọi người của ông ba nó. Nhưng cuối cùng, nó muốn hy sinh cho ba mình mà chẳng được.
Dù nó hiến cho ông Sang một quả thận ở tuổi tráng niên, ông vẫn từ giã cõi đời. Đó chính là lúc hy sinh đã trao đi nhưng bàn tay nghiệt ngã của số phận không đón lấy. Đâu phải cứ lúc nào bạn muốn hy sinh hay báo hiếu cho ba mẹ là có thể làm được ngay. Trong lúc bạn lớn lên, ba mẹ đã không còn đủ thời gian và sức lực nữa rồi. Nước mắt chảy xuôi chứ có chảy ngược bao giờ!
Trong lúc bạn lớn lên, ba mẹ đã không còn đủ thời gian và sức lực nữa rồi. Nước mắt chảy xuôi chứ có chảy ngược bao giờ!
Gói gọn lại cả Bố Già, chúng ta thấy gia đình chính là những phiền phức không thể nào kể hết nhưng cũng là nơi yêu thương đong đầy và chứa đựng những hy sinh to lớn, mà dù đi khắp cùng trời cuối đất cũng chẳng thể tìm ra.
Đối với những ai may mắn còn ba mẹ, sau khi rời rạp trở về nhà họ như nhận được một món quà rất lớn. Đó là: THỜI GIAN! Thời gian để ở cạnh ba mẹ, để nói ra lời xin lỗi, để được báo hiếu, để được hy sinh. Còn với những ai đã không còn tổ ấm lớn, bố mẹ rời xa nhau, chắc chắn Bố Già cũng sẽ là một bộ phim mang giá trị thúc đẩy rất lớn. Nó sẽ là động lực để họ tự tạo ra một gia đình mới cho riêng mình với những đứa con sau này sẽ nhìn mình bằng ánh mắt của thằng Quắn nhìn ông Sang: không thể hiểu nổi nhưng yêu nhất trên đời.
Gia đình là tuyệt vời nhất!