Lợi thế giúp Nga cán đích sớm trong cuộc đua vaccine Covid-19

Phản hồi trước các lo ngại của cộng đồng khoa học phương Tây về độ an toàn của vaccine Sputnik V, ông Alexader Gintsburg, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gamaleya về Dịch tễ học và Vi sinh học, khẳng định sản phẩm dựa trên nền tảng khoa học được nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều thập niên qua.

Viện Nghiên cứu Gamaleya về Dịch tễ học và Vi sinh học cùng Viện Nghiên cứu Trung ương 27 (TsNII), thuộc Bộ Quốc phòng Nga, chính là hai đơn vị hợp tác phát triển Sputnik V - vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới.

Lợi thế giúp Nga cán đích sớm trong cuộc đua vaccine Covid-19
Vaccine Covid-19 của Nga có tên là Sputnik V - lấy cảm hứng từ dự án Sputnik của Liên Xô vào thập niên 1950, tiên phong đưa vệ tinh lên vũ trụ.Ảnh: Viện Gamaleya.

Nền tảng nghiên cứu nhiều thập niên


"Nền tảng này đã được phát triển trong 25 năm cho liệu pháp gen, nhưng đến cuối năm 2014 nó đã được sử dụng để chế tạo các loại thuốc đối phó với những chủng virus biến đổi nhanh nhất", ông nói.

"Cũng chính nền tảng này đã được dùng để phát triển vaccine cho Ebola, MERS (Hội chứng Hô hấp Trung Đông), và một số bệnh khác. Nó cho phép tạo ra vaccine Ebola trong thời gian ngắn chỉ khoảng 15 tháng, sau đó đã được đánh giá cao bởi WHO (Tổ chức Y tế Thế giới)", Viện trưởng Alexander Gintsburg dẫn chứng.

"Đây không phải công nghệ độc nhất. Nó cũng được sử dụng tại Anh và Trung Quốc, nhưng chúng tôi có được lợi thế trong trường hợp này", ông cho biết.

Viện trưởng Gintsburg cho biết vaccine được theo dõi và có "passport điện tử". Mọi lưu thông của vaccine và kết quả tiêm ngừa sẽ được truy vết và đánh giá. Những lô vaccine đầu tiên dự kiến xuất xưởng sớm nhất là trong 2 tuần nữa. Đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa virus corona sẽ là nhân viên y tế tại Nga, theo Annadolu.

Viện trưởng Gintsburg cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố một khi hoàn tất đánh giá bởi các chuyên gia Nga. Đặc phái viên của WHO tại Nga, David Nabarro, nói việc nước này phát triển thành công vaccine là "tin tốt lành" và WHO đang "rất mong chờ" được xem kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, theo RTE.

Lợi thế giúp Nga cán đích sớm trong cuộc đua vaccine Covid-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến về kết quả phát triển vaccine Covid-19. Ảnh: Tass.

Kế hoạch 5 triệu liều/tháng


Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, mọi đối tượng tiêm thử nghiệm vaccine Sputnik V, bao gồm cả trên động vật và trên người, cho thấy không có bất kỳ trường hợp nào nhiễm bệnh. Mặc dù theo truyền thông vaccine chưa hoàn thiện giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng, Bộ trưởng Murashko tự tin sản phẩm của nền khoa học Nga an toàn và hiệu quả.

"Có vẻ các đồng nghiệp nước ngoài cảm thấy được lợi thế cạnh tranh đặc biệt của thuốc Nga và đang tìm cách bày tỏ một số quan điểm. Chúng tôi cảm thấy các quan điểm đó là hoàn toàn vô căn cứ", ông nhấn mạnh.

Ông Gintsburg tiết lộ Nga có kế hoạch sản xuất 5 triệu liều vaccine từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021. Vaccine được sản xuất tại Nga sẽ được định hướng phục vụ thị trường nội địa, với thiết kế đáp ứng nhu cầu trong nước. Người già và trẻ em sẽ sử dụng cùng loại vaccine. Tuy nhiên, liều lượng và phương pháp tiêm ngừa dành riêng cho nhóm đối tượng này cần được nghiên cứu thêm. Quá trình nghiên cứu sẽ bắt đầu ngay khi thử nghiệm lâm sàng dành cho người trưởng thành kết thúc.

Ngoài ra, các nhà khoa học Nga sẽ đánh giá Sputnik V ở 3 nhóm tuổi khác nhau dành cho trẻ em. Mặc dù trẻ em được đánh giá là có rủi ro phát bệnh thấp, nhóm tuổi này không miễn dịch với virus corona. Ít nhất 9 trẻ tại Nga đã phát bệnh nặng khi mắc Covid-19.

Lợi thế giúp Nga cán đích sớm trong cuộc đua vaccine Covid-19
Viện trưởng Alexander Gintsburg (trái) và Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko trong cuộc họp báo ngày 12/8. Ảnh: Tass.

Viện trưởng tình nguyện tiêm vaccine


Viện trưởng Alexader Gintsburg, 68 tuổi, cho biết ông đã tự tiêm thử vaccine khoảng 5 tháng trước và cảm thấy vẫn khỏe mạnh. Vaccine được chia làm 2 lần tiêm, cách nhau 3 tuần. Điểm khác biệt là chủng virus adeno nào được sử dụng để đưa vaccine vào tế bào cơ thế.

Vaccine được chỉ định cho nhóm tuổi 18-60 và có thể sử dụng chung với các thuốc kháng nguyên khác, bao gồm cả điều trị cúm. Để đạt được công dụng tối đa, các liều vaccine cần được tiêm cách nhau sớm nhất là 2 tuần hoặc 3 tuần. Phương pháp này cho phép hệ miễn dịch của cơ thể nghỉ ngơi sau khi tiêm ngừa lần đầu và bị kích thích bởi yếu tố ngoại lai.

Người được tiêm vaccine phải được giám sát y tế bởi các bác sĩ. Nga sẽ phát triển thêm một ứng dụng di động để người tiêm có thể thường xuyên cập nhật dữ liệu về tình hình sức khỏe và thông báo ngay cho cơ quan y tế nếu xảy ra biến chứng.

Hiện trên thế giới có hơn 100 vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Đặc phái viên WHO David Nabarro nói cá nhân ông rất vui mừng khi cộng đồng khoa học toàn cầu nhiệt tình tham gia vào nỗ lực phát triển vaccine chống đại dịch.

Ông Nabarro cho biết WHO có quan hệ tốt với Viện Gamaleya. Ông lưu ý rằng Nga là nước đã phát triển được rất nhiều vaccine, trong đó có cả vaccine ngừa bệnh truyền nhiễm sốt vàng da.

Tarik Jasarevic, người phát ngôn của WHO, cho biết cơ quan này đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga, đồng thời thảo luận về khả năng WHO xác nhận tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Ông Jasarevic cho biết quy trình đánh giá của WHO dựa trên thông tin thu thập được qua thử nghiệm lâm sàng. Đại diện WHO khẳng định tốc độ phát triển nhanh của một số loại vaccine là điều đáng khích lệ và hy vọng những loại vaccine này sẽ được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn